chụp ảnh cưới đẹp tại Hải Phòng

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Phong tục, lễ cưới hỏi của ba miền ở Việt Nam

Mỗi quốc gia, vùng miền đều có những quan niệm và phong tục tập quán khác nhau về đám cưới. Nếu đám cưới ở phương Tây rất đơn giản và thường chú ý nhiều tới các vật lễ như bánh cưới, hoa cưới, váy cưới... thì phong tục cưới ở Việt Nam lại là một chuỗi những nghi lễ và để có một đám cưới đúng nghĩa thì phải mất thời gian 2-3 tháng.

Cũng phải trải qua rất nhiều nghi thức nhưng nghi thức cưới ở miền Bắc lại khác với phong tục của người miền Nam. Qua đó có thể thấy văn hóa của dân tộc ta rất đa dạng và phong phú.

Ngày xưa người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ. Nó được coi là một trong ba sự kiện lớn nhất của đời người. Phong tục cưới của người Việt xưa bao gồm 6 lễ chính là: lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh. Theo thời gian, ảnh hưởng văn hóa, truyền thống và tôn giáo của từng vùng miền mà ngày nay lễ cưới đã bị phân hóa và có sự khác biệt rõ rệt, tuy nhiên những thay đổi đó vẫn giữ nguyên trên nền tảng cơ bản của tập tục xưa.

Đám cưới ở miền Bắc



Người miền Bắc làm bất cứ việc gì cũng rất nguyên tắc, khắt khe, đám cưới cũng vậy, là lễ trọng đại của đời người nên càng phải nghiêm túc, đầy đủ thủ tục và quy trình. Có những nghi thức, nghi lễ khá nghiêm ngặt, cầu kỳ không thể bỏ qua. Đám cưới truyền thống ở miền Bắc gồm có 3 lễ: lễ chạm ngõ (dạm ngõ), lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Lễ chạm ngõ là thủ tục cần thiết để hai bên gia đình trai gái gặp gỡ và thưa chuyện với nhau.

Sau lễ chạm ngõ, đôi bên sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ ăn hỏi. Trong lễ hỏi của người Bắc ngoài trầu cau thì hai lễ vật nữa không thể thiếu đó là hồng và cốm. Những lễ vật còn lại tùy vào điều kiện và sự lựa chọn của gia đình nhà trai.

Và cách lễ ăn hỏi khoảng 10 ngày thì lễ cưới chính thức được diễn ra. Ngày giờ đã được định sẵn, chú rể cùng bố và đoàn rước dâu sẽ đến nhà gái để làm lễ gia tiên và đón cô dâu về nhà chồng.

Đám cưới miền bắc



Đám cưới ở miền Trung



Người miền Trung cần cù, chịu khó và sống tiết kiệm, đơn giản vì vậy đám cưới ở miền Trung cũng đơn giản hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo đủ 3 lễ nghi cơ bản.

Lễ chạm ngõ và lễ hỏi được miền Trung đơn giản hóa, không tổ chức rình ran, đó được xem như là một buổi gặp gỡ thân tình giữa hai bên thông gia để bàn bạc kế hoạch cho ngày cưới.

Lễ cưới của người miền Trung bao gồm các tục: xin giờ, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Một điểm khác biệt lớn nhất đó là người miền Trung không thách cưới. Trong phòng tân hôn phải có: một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Việc ăn muối, gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.

Đám cưới miền trung


Đám cưới ở miền Nam



Mặc dù vẫn giữ nét văn hóa cơ bản của đám cưới Việt nhưng vì người miền Nam nổi tiếng dễ tính, phóng khoáng nên  họ có thể bỏ qua một số nghi lễ trong đám cưới nếu điều kiện không cho phép. Theo đó, lễ ăn hỏi và lễ cưới có thể gộp thành một nếu hai gia đình ở cách xa nhau.

Đám cưới ở miền Nam thường diễn ra trong 3 ngày, ngày nhóm họ, ngày lễ chính và ngày giật rạp. Tất cả các lễ nghi trong đám cới miền Nam đều được thực hiện trước bàn thờ gia tiên. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái ngoài trầu cau, măm rượu thì cặp đèn lớn là thứ không thể thiếu. Bởi trong đám cưới có một nghi lễ vô cùng quan trọng và thiêng liêng đó là lễ lên đèn, đó là một lời tuyên bố chính thức, một sự gắn kết bền chặt giữa cô dâu và chú rể trong suốt cuộc đời.

Sau lễ lên đèn, nhà trai sẽ tiến hành trao nữ trang, vật thách cưới và xin phép rước cô dâu về nhà chồng.

Dù phong tục cưới của người Việt ở mỗi vùng miền là khác nhau nhưng ý nghĩa của đám cưới vẫn không bao giờ thay đổi, đó là sự gắn kết bền chặt của đôi trai gái, bắt đầu một cuộc sống mới. Và tất cả nghi lễ trong đám cưới cũng chỉ hướng tới một mục đích chung là lời cầu chúc cho một gia đình hạnh phúc, con cháu đầy đàn, tiền tài vững chắc.

Đám cưới miền nam


Xem thêm: Chụp ảnh cưới đẹp, trọn gói

0 nhận xét:

Đăng nhận xét